TRƯỜNG MN YẾT KIÊU HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM 21/4
Ngôn ngữ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Đặc biệt, ở giai đoạn 24-36 tháng tuổi, trẻ đang trong thời kỳ phát triển vượt bậc về khả năng ngôn ngữ. Việc làm quen với sách và nghe kể chuyện không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mà còn nuôi dưỡng trí tưởng tượng, tình cảm và khả năng tư duy.
Việc cho trẻ làm quen với sách, nghe kể chuyện, đọc thơ có lợi ích gì?
- Phát triển ngôn ngữ: Trẻ được tiếp xúc với vốn từ phong phú và cách sử dụng ngôn từ thông qua các câu chuyện.
- Kích thích trí tưởng tượng: Những hình ảnh minh họa trong sách giúp trẻ hình dung về thế giới xung quanh.
- Xây dựng khả năng tập trung: Khi nghe kể chuyện, trẻ học cách lắng nghe và chú ý, giúp rèn luyện sự tập trung.
- Tăng cường gắn kết tình cảm gia đình: Thời gian kể chuyện là lúc cha mẹ và trẻ giao lưu, tạo mối liên kết gần gũi.
- Khơi dậy niềm yêu thích học tập: Thói quen yêu thích sách sẽ là nền tảng cho trẻ ham học hỏi trong tương lai.
Với những ích lợi trên, Trường mầm non Yết Kiêu đã tổ chức ngày hội đọc sách hưởng ứng Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 4 (21/4/2021 - 21/4/2025).
Ngày hội đã thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia với nhiều hoạt động đọc sách thiết thực phong phú như: Trưng bày không gian sách sáng tạo của 19 nhóm lớp, trang trí các góc đọc sách theo nhiều chủ đề; tham gia trưng bày sách, đổi sách, tặng sách, đọc sách thư giãn, trang trí bìa sách, tô màu các nhân vật trong truyện, làm sách mini. Nhà trường đã trang trí các góc hoạt động gắn liền với “Ngày hội đọc sách” hấp dẫn, tạo không gian để trẻ có cơ hội tiếp xúc với sách mọi lúc mọi nơi trong sân trường, mỗi góc trưng bày đều được thiết kế sáng tạo và mang màu sắc riêng của từng khối, những quyển sách được chăm chút, sắp xếp cẩn thận, tỉ mỉ giúp trẻ trân trọng, nâng niu và mong muốn được khám phá thế giới kỳ diệu trong mỗi trang sách.
Thông qua các hoạt động hướng ứng Ngày sách và văn hóa đọc cũng là cơ hội để hình thành thói quen cho trẻ, rèn kỹ năng cơ bản trong quá trình đọc sách, tạo tiền để cho học tập, hình thành nhân cách của trẻ. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong việc xây dựng văn hoá đọc, hình thành thói quen đọc sách, niềm yêu thích đọc sách trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm góp phần tôn vinh giá trị của sách và văn hoá đọc.
Dưới đây là một số hình ảnh trẻ làm quen với sách.













Tin bài: PHT Nguyễn Thị Tơn